Văn hóa công ty

Như một cánh chim… Bài viết về chị Nguyễn Thị Phú - nữ kỹ sư tại Thuỷ điện Bản Vẽ

Chủ nhật, 4/10/2020 | 14:15 GMT+7
Bài viết về chị Nguyễn Thị Phú (Tổ phó tổ Cao thế hóa dầu – Phân xưởng sửa chữa – Công ty thủy điện Bản Vẽ), là nữ kỹ sư làm công tác sản xuất trực tiếp duy nhất tại đơn vị - thành viên ban nữ công của Công ty

Chị bảo, lắm lúc thấy mình cũng liều khi chấp nhận từ bỏ công danh, và cả một sự nghiệp đang lên trong ngành hoá chất để về đầu quân làm thợ cho ngành Điện. Với nhiều người đó là một quyết định mạo hiểm, nhưng với chị - chị chưa từng ân hận vì quyết định này. Ngoài việc theo đuổi đam mê, khám phá bản thân, thì đây cũng là sự lựa chọn đúng đắn của người con luôn đau đáu hướng về quê hương. Chị về để giữ trọn đạo hiếu của một người làm con, làm dâu với bố mẹ hai bên nội ngoại đang ở tuổi gần đất xa trời…

Chị Nguyễn Thị Phú tại phòng thí nghiệm lọc dầu

Dù là đồng nghiệp với nhau, nhưng quả thật lâu rồi tôi mới có dịp ngồi với chị Nguyễn Thị Phú – nữ kỹ sư duy nhất làm việc trực tiếp tại nhà máy của Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ. Bởi chị ít khi ở tại văn phòng, lúc nào cũng tất bật ở nhà máy - nơi huyện miền núi Tương Dương xa xôi. Mà dẫu thi thoảng có về trụ sở thì chị cũng chạy ngược chạy xuôi đi thăm hỏi người này, người kia trong vai trò của một thành viên ban nữ công công đoàn. Ngày nghỉ chị lại tranh thủ về thăm bên nội bên ngoại…
Chị Phú về công ty sau tôi, khi dự án xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ mới khởi công được 2 năm – năm 2007. Thời điểm đó, chị đang là Phó Giám đốc một nhà máy hóa chất, một vị trí mơ ước và đáng ngưỡng mộ với những cán bộ trẻ như chúng tôi.
Chị kể, ngày chị tốt nghiệp THPT, các bạn ai cũng chọn thi vào sư phạm để dễ cho việc lập gia đình, ra trường lại được bố trí đi dạy. Riêng chị lại chọn ngành Hoá của Đại học Khoa học tự nhiên, vốn là một ngành xương nhất chỉ dành cho cánh con trai. Chị bảo, đó là cái duyên và rồi nó trở thành đam mê mà không tài nào dứt được. Năm 1992, tốt nghiệp ra trường, chị được nhận vào làm việc tại Nhà máy than hoạt tính thuộc Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc. Sau một thời gian, bằng sự nỗ lực của bản thân, từ một kỹ thuật viên, chị dần được cất nhắc lên Tổ trưởng, rồi Trưởng phòng Hoá nghiệm và Phó Giám đốc Nhà máy. Khi sự nghiệp đang lên, chị lại một lần nữa lựa chọn thay đổi, chị bỏ lại tất cả, lên đường về quê, để lại nhiều nuối tiếc cho tập thể công ty.
Tôi vẫn nhớ như in ngày chị mới về, lúc này con gái đầu của chị đang học tiểu học, đứa con trai út thì mới hai tuổi. Đây là thời điểm con cái cần chị hơn bao giờ hết. Lãnh đạo công ty cũng tạo điều kiện cho chị làm việc tại văn phòng để thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình, vì chồng chị cũng công tác trong ngành Điện và thường xuyên phải đi làm xa nhà. Nhưng chị đã từ chối, chị xin được lên nhà máy, trực tiếp làm công tác chuyên môn. Mỗi lần lên nhà máy, chị phải dẫn theo con trai mới hai tuổi của mình. Hai mẹ con vạ vật trên xe khách vượt gần 300 cây số, trên cung đường miền núi khúc khủy. Ai đã từng một lần lên nhà máy thủy điện Bản Vẽ sẽ hiểu đường đi vất vả và nguy hiểm thế nào, một bên là núi rừng hiểm trở, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nếu thời tiết thuận lợi thì phải mất năm tiếng đồng hồ mới tới nơi. Khó khăn là thế, nhưng không ngăn cản được tình yêu nghề của chị.
Ngày đó, tại Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ, ai mới đến cũng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh một chú bé hai tuổi, có đôi mắt trong veo tha thẩn chơi một mình trong phòng, lúc thì được các cô chú công nhân bế. Còn chị Phú thì đang miệt mài với công việc trong phòng thí nghiệm hay tận các tổ máy. Để có thể yên tâm công tác, chị tạo cho các con mình tính tự lập từ nhỏ. Dù xa mẹ phần lớn thời gian, nhưng con gái đầu của chị luôn có ý thức tự giác trong việc học tập, tự biết cách chăm sóc mình và luôn đạt kết quả xuất sắc trong suốt 12 năm học. Khi theo học tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, cháu đã đạt giải 3 Quốc gia môn Văn, sau đó nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học Lahti – Phần Lan. Cậu bé lẽo đẽo theo mẹ lên nhà máy ngày nào nay cũng đã tự hào là học sinh của trường cấp 3 chuyên Phan Bội Châu – một ngôi trường danh tiếng trong cả nước.
Nói chuyện về con mình, đôi mắt chị rưng rưng xúc động và ánh lên niềm tự hào. Chị bảo nhiều khi nghĩ lại càng thấy thương con nhiều lắm. Công việc của chị là gắn chặt với dầu, với máy, nên thời gian dành cho con không được nhiều. Con thiệt thòi hơn chúng bạn vì không được mẹ đón đưa hàng ngày, không có mẹ bên cạnh hằng đêm, mọi thứ từ nấu nướng cho đến giặt giũ, quản lý nhà cửa các con đều phải tự làm lấy. Nhưng may mắn là con chị tự lập và rất hiểu cho công việc của mẹ. Bọn trẻ không những được chị truyền cho sự đam mê trong học tập sáng tạo, mà còn cả đức tính biết cảm thông và thấu hiểu.
Với vị trí là Tổ phó Tổ Cao thế - Hoá dầu, phụ trách phòng hóa nghiệm của công ty Thủy điện Bản Vẽ. Nhiệm vụ chính của chị Phú cũng như anh em trong tổ là quản lý toàn bộ khối lượng, kiểm tra, giám sát chất lượng dầu để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo có phương án xử lý phù hợp. Tổ chức lọc nhằm đảm bảo chất lượng dầu phục vụ sản xuất của nhà máy. Đồng thời thường xuyên kiểm tra lượng dầu trong các thiết bị cụ thể, bổ sung kịp thời khi bị hao hụt. Dù công việc chuyên môn vất vả nhưng chị cùng với anh em trong tổ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Chị kể, là nữ kỹ sư duy nhất làm việc trực tiếp tại nhà máy, xa chồng con, giữa rừng núi hoang vu cũng tủi thân và nhớ chồng con lắm. Nỗi nhớ và tình yêu thương gia đình chính là động lực để chị hăng say và sáng tạo hơn trong công việc. Có lần ống dẫn dầu của tuabin gặp sự cố, dầu phun đầy cả khoang chứa, anh em đang loay hoay với các phương án, thì chị cầm dụng cụ lao ngay xuống xử lý, xong việc chui lên thì người bê bết dầu, còn mỗi đôi mắt là sáng lấp lánh.
Gắn chặt với nhà máy kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, chị Phú là người hiểu rõ các tổ máy hơn ai hết. Nếu ví các tổ máy là những quả tim, thì có thể xem dầu máy là dòng máu để quả tim đó hoạt động một cách trơn tru, bền bỉ. Chính vì thế việc chọn lựa loại dầu, lọc dầu đảm bảo chất lượng là việc hết sức quan trọng. Dầu có sạch thì máy mới vận hành được an toàn.

Chị Nguyễn Thị Phú phát biểu tại buổi toạ đàm 20/10

Say sưa với nghề, đam mê với việc sáng tạo, năm 2016 chị Phú đã thiết kế, chế tạo thành công máy đột lỗ giấy lọc dầu. Đến năm 2017 chị đã tiến hành cải tạo, tận dụng vỏ thùng dầu biến áp cũ thành thiết bị lọc để xử lý chất lượng dầu và chứa dầu biến áp dự phòng phục vụ sản xuất. Năm 2018 chị cải tạo, lắp đặt khớp nối nhanh các máy lọc dầu và hệ thống lọc dầu. Hiện tại chị cũng đang nghiên cứu nâng cấp hệ thống giám sát, điều khiển máy lọc dầu chân không, nâng cao hiệu quả công tác lọc dầu.
Song song với việc cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả lọc dầu, năm 2017 chị còn biên soạn hơn 20 quy trình, quy định, hướng dẫn thuộc lĩnh vực quản lý, thí nghiệm và xử lý chất lượng dầu trong công ty thuỷ điện phục vụ công tác ISO 9001:2015. Năm 2018 chị tiếp tục biên soạn 6 quy trình, hướng dẫn và 1 số quy định thuộc phạm vi phòng thì nghiệm Điện – Hoá phục vụ công tác Vilas PTN theo ISO 17025:2017. Những năm gần đây chị đều trực tiếp biên soạn đề cương, giáo trình, và thực hiện công tác giảng dạy, đào tạo nghề nội bộ cho các chuyên viên của công ty và đào tạo nghề cho các nhà máy bên ngoài. Chị đã 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cơ sở, được nhiều bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của Tổng công ty phát điện 1.
Ngồi đây, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm đồng hành cùng sự phát triển của nhà máy, của Công ty Thủy điện Bản Vẽ. Chị Phú nói, đó là quãng thời gian chưa dài, nhưng cũng đủ cho chị những chiêm nghiệm về nghề, về những vất vả, nhưng đầy hạnh phúc của một người phụ nữ vốn “đã mang lấy nghiệp vào thân”. Chị bảo, chị chưa từng hối hận về quyết định từ bỏ công danh, và cả một sự nghiệp đang lên trong ngành hoá chất để về đầu quân làm thợ cho ngành điện. Với nhiều người đó là một quyết định mạo hiểm, nhưng với chị đó là quyết định đúng đắn, chị chưa từng ân hận về quyết định này của mình. Chị về để được sống trọn vẹn với đam mê, để được về gần quê hương, cho trọn đạo hiếu của một người làm con, làm dâu với bố mẹ hai bên nội ngoại đang ở tuổi gần đất xa trời. Quê chồng ở Diễn Châu (Nghệ An), quê chị ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), cách nhau cả 100 cây số, rồi giữa nhà máy với gia đình, thế mà tôi cứ thấy chị qua lại thoăn thoắt. Hết chăm lo việc chuyên môn đến việc gia đình, không khi nào ngơi nghỉ, hệt như cánh chim chao lượn trên bầu trời.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phú

Giờ đây, khi công việc đã vào guồng, anh em kỹ sư cũng đã “chắc tay”, sắp xếp thời gian, công việc, chị lại tích cực tham gia vào Ban nữ công của Công đoàn công ty, thường xuyên chăm lo cho đời sống tinh thần của chị em. Có ai đau ốm hay gặp chuyện vui, buồn, chị đều có mặt. Chị còn lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những ý kiến của chị em cán bộ, nhân viên rồi kịp thời kiến nghị, đề xuất đến tổ chức Công đoàn, đến Lãnh đạo công ty để đưa vào nội quy, quy chế hoạt động. Chị còn vận động chị em cán bộ, nhân viên xây dựng các phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

TLC.BBT