Văn hóa công ty

Xuân về trên vùng tái định cư Thanh Chương

Thứ ba, 18/1/2022 | 11:16 GMT+7
Xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm huyện Thanh Chương có 2.648 hộ với 11.237 khẩu; trong đó, dân tộc Thái 86%, dân tộc Khơ Mú 14%. Đây là những hộ dân di chuyển từ bản Vẽ huyện Tương Dương về TĐC tại huyện Thanh Chương để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.

Hơn 15 năm qua, về nơi ở mới, cuộc sống người dân vùng tái định cư Ngọc Lâm- Thanh Sơn (Thanh Chương) đã có nhiều đổi thay. Những con đường ở khu tái định cư Ngọc Lâm rợp màu cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Bản làng đang vào Xuân. Bằng những nỗ lực và cùng với những chính sách hỗ trợ, người dân nơi đây đã từng bước thoát nghèo. Bà con đang đón một mùa xuân mới trong niềm vui, phấn khởi với cuộc sống ấm no và đủ đầy.

Đồi chè

Những năm qua, với nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ,  xã Ngọc Lâm đã vận động bà con tích cực trồng chè, trồng keo nguyên liệu giấy, phát triển chăn nuôi.. tạo nguồn thu nhập bền vững. Đơn cử như gia đình ông Vi Văn Phong, Năm 2009, gia đình ông cùng nhiều hộ gia đình thuộc diện tái định cư chuyển về xã Ngọc Lâm, nhường đất để xây dựng thủy điện bản Vẽ. Những ngày mới về đây, mọi thứ đều lạ lẫm từ đất đai, khí hậu đến cách thức sản xuất. Nhận thấy cây chè chính là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, ông Phong đã mạnh dạn nhận đất, đầu tư trồng 1ha chè. Hơn 4 năm gắn bó với cây chè, không ít vất vả nhọc nhằn, đến nay gia đình ông Phong đã có nguồn thu nhập ổn định.

“Cây chè thu nhập tương đối ổn định so với các loại cây khác, mỗi tháng thu hoạch 1 lần trong thời gian 6 tháng. Với diện tích chè này, nếu giá thời điểm cao, 1 vụ thu được 1-12 triệu,  thấp cũng được 6-7 triệu/1 vụ; cộng thêm với chăn nuôi gia súc gia cầm, gia đình cơ bản ổn định đời sống. Gia đình tôi còn tuyên truyền vận động các hộ khác làm theo”ông Phong chia sẻ.

Còn hộ gia đình ông Lô Văn Sâm cũng ở bản Tân Sáng, bên cạnh thu nhập ổn định từ rừng keo, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn gà; đào thêm ao thả cá..để phát triển kinh tế. Trong trang trại của gia đình ông luôn có 10 con trâu; hàng chục con lợn đen địa phương chờ xuất chuồng; chưa kể đàn gà, vịt các loại..Những tháng cuối năm, ông Phong tập trung chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và chăm sóc vườn keo. Từ phát triển kinh tế tổng hợp, gia đình ông có một nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, thoải mái chi tiêu mua sắm lương thực, thực phẩm và vật dụng, chuẩn bị đón một cái Tết đủ đầy và ấm cúng.

“Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, bởi vì xuống đây là thuận lợi, nhất là công tác hạ tầng, điện đường, trường trạm đi lại thuận lợi, giá cả ổn định. Nhờ vậy, gia đình tôi thuận lợi trong phát triển kinh tế. Bình quân hàng năm từ phát triển kinh tế tổng hợp gia đình tôi thu lãi được 100 triệu đồng trở lên, đặc biệt năm 2020 đạt khoảng 300 triệu đồng, cuộc sống gia đình tương đối ổn định”ông Sâm phấn khởi khoe.

Ngay từ những năm đầu mới thành lập, Đảng bộ xã Ngọc Lâm đã xác định tập trung cây mũi nhọn phát triển kinh tế vẫn là cây nguyên liệu giấy, đặc biệt là cây chè công nghiệp. Đến nay toàn xã có hơn 1200ha trồng cây nguyên liệu giấy và chè, chiếm thu nhập lớn của ngành nông nghiệp. Toàn xã có hàng trăm hộ trồng chè, cho thu nhập ổn định từ 20-60 triệu đồng/năm, trong đó có hơn 30 hộ thu nhập từ cây chè trên 60-120 triệu đồng/ năm. Đơn cử như hộ Lương Văn Phượng, Lương Thanh Hoài, Lương Thanh Hải (bản Tân Hợp), ông Lô Văn Bình (bản Tân Tiến), Lô Văn Cả, Vi Văn Thanh (bản Tân Học).

Ông Lô Huy Hùng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: So với những năm đầu mới thành lập, bộ mặt nông thôn của xã Ngọc Lâm có rất nhiều đổi thay. Để có được kết quả đó, những chính sách dự án đã được thực hiện thuận lợi, hệ thống giao thông, điện đường trường trạm được đầu tư 1 cách cơ bản, tạo điều kiện bà con sinh hoạt, lao động sản xuất. Ngọc Lâm cũng là 1 trong những xã được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, các sở ngành cấp tỉnh đã có nhiều chính sách để hỗ trợ giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. 

Không chỉ trồng chè, trồng keo nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được xác định là thế mạnh của vùng miền núi giáp biên này. Bà con đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, kết hợp với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để xây dựng mô hình kinh tế VAC, VACR… có hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Sơn – Ngọc Lâm giảm dần so với trước đây.

Mô hình VAC

“Sau hơn 10 năm di dời về đây, bà con 2 xã gặp rất nhiều khó khăn, kể cả thích nghi điều kiện sống, môi trường sống cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, tuy nhiên khi về đây, các cấp, các ngành tỉnh, huyện đã cùng với chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo và truyền tải các tiến bộ khoa học kỹ thuật với phương châm cầm tay chỉ việc, từng bước bà con đã ổn định cuộc sống. Đến hôm nay có thể khẳng định, mặc dù đang còn khó khăn, nhưng bà con đã hòa nhập được cuộc sống ở nơi ở mới và đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế” - ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trao đổi.

Hiểu rõ những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của bà con vùng tái định cư Ngọc Lâm – Thanh Sơn,  những năm qua các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội, trong đó có Công ty thủy điện Bản Vẽ đã cùng chung tay chăm lo, động viên và có những việc làm thiết thực để giúp đỡ. Đến nay, sau hơn 15 năm về nơi ở mới, vùng tái định cư Ngọc Lâm -Thanh Sơn đã có diện mạo mới với nhiều khởi sắc. Người dân tái định cư ngày càng thêm gắn bó, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương mới. Dưới những ngôi nhà nhỏ của người Thái, Khơ Mú.. không khí vui Xuân dường như rộn ràng hơn. Xuân mới đang về trên vùng tái định cư với muôn thanh sắc rộn ràng cùng niềm tin yêu và hy vọng mới của bà con.

Một số hình ảnh:

ChiTL.BBT