Sự kiện nổi bật

Lời tự sự về anh - Nguyễn Quang Vinh - Trưởng ca kiêm Kỹ thuật viên Phân xưởng vận hành - Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ

Thứ hai, 2/10/2023 | 09:49 GMT+7
Công việc này, môi trường này anh em đồng nghiệp đều làm tốt cả, ai cũng nhiệt huyết, đam mê không riêng gì anh đâu. Nhiều lần ngỏ ý, đôi lần định chắp bút, nhưng lúc nào cũng vậy, đức tính khiêm tốn, con người ấy luôn nhỏ nhẹ như thế.

Bài viết dưới đây cũng là những gì ghi chép lại từ khi anh được nhận vào làm việc tại Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ, là những lần tâm sự, hàn thuyên thường ngày và những gì đồng nghiệp thường kể về anh: Một người trầm tĩnh, tận tuỵ, quyết liệt trong công việc; luôn chủ động học tập, cập nhật kiến thức và đưa ra các nội dung Cải cách hành chính, sáng kiến sáng chế để giải quyết vấn đề chuyên môn; sống chan hoà vui vẻ, náo nhiệt trong hoạt động phong trào.

Rời bước cổng trường:
Rời bước cổng trường, cầm trên tay tấm bằng đại học Bách khoa Hà Nội, với bao hoài bão ước mơ đối với chàng kỹ sư trẻ tuổi Nguyễn Quang Vinh. Ngọn lửa sục sôi muốn áp dụng các kiến thức có được sau khi tốt nghiệp, anh tham gia ngay các vòng phỏng vấn của một số Công ty Sam Sung, Huyndai phía Bắc, và đã trúng tuyển đợt đó. Trong thời gian này, Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 thông báo tuyển dụng nhân sự phục vụ vận hành nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ (NMTĐ Bản Vẽ). Từ bỏ ước mơ tại các khu công nghiệp lớn, với mong muốn trở về nơi mình sinh ra, được làm việc tại quê nhà. Bằng khát khao được cống hiến, bằng kiến thức của chàng sinh viên trẻ mới ra trường, anh đăng ký thi tuyển và được nhận vào làm việc.

Xác định đây cũng là một trong những nhân sự sẽ là trưởng ca, trưởng kíp sau này vận hành quản lý Nhà máy. Và thế là ngày 21/9/2009, anh cùng với các bạn đồng nghiệp  đã được Lãnh đạo Ban gửi đi đào tạo tại nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, với nhiệm vụ được giao tham gia học tập, nghiên cứu tài liệu, quy trình vận hành để về áp dụng tại NMTĐ Bản Vẽ.

Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Nơi ghi dấu ấn của sự đoàn kết, đồng lòng và vượt khó:
Thời gian cứ thế cuốn trôi, các kỹ sư trẻ tích cực trong công tác đào tạo và nâng cao năng lực, công trình Thuỷ điện Bản Vẽ từng ngày chạy đua với thời gian để hoàn thành về đích. Kết thúc khoá đào tạo, anh tham gia ngay thực tế tại công trường Bản Vẽ - xã Yên Na - huyện Tương Dương – Nghệ An. Cùng chia sẻ khó khăn từ thời kỳ đầu xây dựng nhà máy, Lãnh đạo Phân xưởng Vận hành chỉ đạo anh em phối hợp để dựng lên khu nhà sinh hoạt cho cán bộ công nhân viên. Dù không đúng chuyên môn, các tổ được chia ra theo từng công việc, người thì xẻ gỗ, người thì dựng ván, nhóm thì lợp mái, nhóm thì chia khung. Tất cả, tất cả ai cũng đồng lòng vui vẻ, sẻ chia để cố gắng hoàn thành sớm. Khẩn trương và nhộn nhịp, sau vài ngày miệt mài thì khu ở cho cán bộ công nhân viên do chính bàn tay mình dựng lên cũng đã hình thành. Những mối nối, các tấm ghép ấy tuy còn mộc mạc, đơn sơ:

“Đôi làn gió lạnh của mùa đông, làm cho buốt da buốt thịt.
Vài cơn giông chiều thoáng qua, giọt mưa tí tách vương mái đầu”.

Nhưng đó cũng là ngôi nhà, nơi anh và các đồng nghiệp trong Phân xưởng Vận hành vừa sinh hoạt, vừa trao đổi công việc hàng ngày với nhau. Hết ngày rồi lại đến đêm, các ca, kíp vật lộn với hàng trăm hàng ngàn chi tiết của các hạng mục được nhà thầu lắp đặt, vận hành chạy thử. 
Nào là khó khăn trong biên soạn quy trình, nào là khó khăn nắm bắt thiết bị, nào là khó khăn về thời tiết, về cuộc sống xa nhà, xa gia đình…Nhưng bằng tất cả niềm tin, bằng tất cả sự đồng lòng, anh em Phân xưởng vận hành cứ như thế chia nhỏ gian truân, lấp đầy thiếu thốn, cùng vượt khó, từng bước sát cánh bên nhau hướng tới niềm vui ngày tổ máy nối lưới thành công.

Niềm vui vỡ oà, niềm tự hào hãnh diện của toàn bộ cán bộ công nhân viên tại công trường Bản Vẽ khi 2 tổ máy H1 và H2 chính thức hoà lưới. Đó là ngày 20/4/2010 đối với tổ máy số 1 và ngày 19/5/2010 đối với tổ máy số 2.
    
Trau dồi kiến thức, không ngừng học hỏi, nỗ lực cống hiến:
Xuất phát điểm từ chức danh trực điện, ngày ngày cùng ca trực đến nhà máy làm việc. Bên cạnh theo dõi, giám sát vận hành thiết bị theo chức danh quản lý, anh còn được các bậc tiền bối đi trước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình vận hành. Đam mê, học hỏi không ngừng và luôn cố gắng trau dồi kiến thức, cứ như thế dần dần các thiết bị trong nhà máy anh đã nắm bắt, hiểu biết sâu rộng hơn. Đối với các nhân viên vận hành, khi thi lên chức danh cao hơn, như thông tư quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia quy định đều trải qua các đợt sát hạch, thi tuyển và đi ca tập sự. Còn muốn thi đạt chức danh Trưởng ca ngoài hội đồng thi của Công ty, thí sinh còn phải vượt qua kỳ thi do Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia tổ chức. Qua các năm phấn đấu, nỗ lực anh lần lượt được công nhận Trưởng kíp rồi đến chức danh Trưởng ca.

Trưởng ca Nguyên Quang Vinh đang phối hợp điều độ viên A0 chỉ đạo điều hành ca trực

Hàng ngày, nhận thấy công việc của các Trưởng ca khi làm báo cáo gặp một số khó khăn như sau: File trích xuất từ hệ thống Quản lý thông tin điều độ (DIM) không đồng bộ khi đưa lên Phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS). Quá trình nhập liệu thủ công, tốn nhiều thời gian (thực hiện 20-30 phút mỗi lần làm báo cáo): Nhân viên vận hành quan sát từ máy tính DIM và nhập trực tiếp bằng tay lên PMIS. Có thời điểm các tổ máy thực hiện nhiều lệnh tăng, giảm công suất, nhiều lệnh khởi động hoặc dừng máy. Tất cả các sự kiện đó đều phải được nhập bằng tay trên PMIS dẫn đến dễ nhầm lẫn và thiếu sót. Để khắc phục những tại đó, anh đưa ra ý tưởng và đã cải tiến áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả tức thì, được Tổng công ty Phát điện 1 khen thưởng :

“Ứng dụng bảng tính Excel để thiết lập, lấy dữ liệu tình trạng vận hành tổ máy từ Hệ thống Quản lý thông tin điều độ DIM phục vụ báo cáo vận hành trên phân hệ Sản xuất điện của Phần mềm Hệ thống quản lý kỹ thuật (PMIS) EVN”.

Ý tưởng này đã giúp cho Trưởng ca nhập tình hình vận hành từ hệ thống Quản lý thông tin điều độ DIM (Phần mềm quản lý thông tin điều độ) lên phần mềm PMIS hàng ngày được nhanh chóng, dễ dàng và đặc biệt không phải làm thủ công như trước đây. Thời gian được rút ngắn xuống còn khoảng ít hơn 5 phút, so với 20-30 như trước. Ngoài ra sự kiện vận hành được lấy trực tiếp từ file trên hệ thống Quản lý thông tin điều độ DIM đưa lên đồng bộ trên PMIS nên sẽ chính xác tuyệt đối.

Hay như đối với công tác quản lý, theo dõi Phiếu công tác, Lệnh công tác, Phiếu thao tác, Khiếm khuyết thiết bị hàng ngày. Qua quá trình thực hiện từ rất lâu trước đây, nhận thấy công tác cập nhật thông thường khó theo dõi, không thống nhất cách nhập giữa các ca dẫn đến khó quản lý; và khi gửi Lãnh đạo Phân xưởng qua Gmail với dung lượng lớn sẽ không mở để xem được. Anh đã đưa ý tưởng và thực hiện hoàn chỉnh áp dụng trong toàn bộ Phân xưởng vận hành đạt hiệu quả cao: 

“Thiết lập các File báo cáo, File quản lý, theo dõi PCT, LCT, PTT, KKTB trên trang tính Google sheet phục vụ công tác sản xuất”.

Ý tưởng này giúp cho Nhân viên vận hành: Thiết lập được file theo dõi thuận tiện, công tác bổ sung nội dung, cập nhật nhanh, không cần phải gửi file đến Lãnh đạo Phân xưởng mà vẫn cập nhật được nội dung tức thời, giảm thiểu được thời gian làm báo cáo.                                                         

Đồng thời thuận tiện trong lưu trữ, tìm kiếm và tổng hợp dữ liệu, đặc biệt rút ngắn được thời gian rất nhiều cho ca trực vận hành.

Anh Vinh là vậy, trong công việc cứ thấy những gì tồn tại, bất cập anh đều nảy sinh ý tưởng làm sao cho thuận lợi hơn, ít tốn công sức mà hiệu quả cao. Còn đối với nhiệm vụ vận hành nhà máy, đã từng đến tham quan và chia sẻ về công việc ấy, nhà báo Vũ Toàn có viết: Những con người này “ Thức cho dòng điện sáng”… “Còn lễ, tết thì cánh thợ này chưa bao giờ nghĩ tới..” 

“Thức cho dòng điện sáng”
Trong chan hoà ánh điện, cuối năm chúng tôi trở lại Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ- Nơi biến dòng sông ghềnh thác Nậm Nơn sản sinh hơn 1 tỉ kWh điện mỗi năm. Mới hay, hơn hai trăm kỹ sư, nhân viên ở đây đã quen nếp sống “ thức cho dòng điện sáng”.

Tôi mang ý nghĩ này theo chân kỹ sư Nguyễn Quang Vinh xuống tầng hầm, theo tiếng tua-bin càng xuống càng “ù” tai. Kỹ sư Vinh nói: “48 người chúng tôi có 3 ca, 6 kíp. Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca 8 tiếng liên tục 24/24. Cứ 2 giờ là phải cập nhật các thông số về thủy văn, hồ chứa (lưu lượng nước về, lượng nước phát qua tổ máy, mực nước lòng hồ, lưu lượng xả…). Cùng lúc, theo dõi và giám sát thông số các thiết bị của máy. Khi gặp sự cố có thể xử lý được thì ca vận hành xử lý. Nếu gặp sự cố phức tạp thì khẩn trương gọi phân xưởng sửa chữa. Cuộc gọi này có thể nóng lên bất cứ lúc nào kể cả đêm khuya rét buốt. Còn lễ, tết thì cánh thợ này chưa bao giờ nghĩ tới. Nhà máy đang vận hành theo thị trường phát điện cạnh tranh nên thức như thế là chuyện bình thường, miễn sao có nhiều điện”. (Trích Vũ Toàn-Báo Xã luận).

Anh Vinh cùng Kíp trực đón tiếp Lãnh đạo EVNGENCO1 thăm hỏi dịp trực Lễ, Tết

Ngoài ra các sáng kiến khác của anh cùng đồng nghiệp thực hiện như:
“Bổ sung, thiết lập và cấu hình các hàm dữ liệu trên hệ thống DCS để lấy giá trị điện áp, tần số khi hệ thống thay đổi bất thường, đưa ra tín hiệu cảnh báo phục vụ Nhân viên vận hành theo dõi, giám sát và báo cáo điều độ viên A0, A1”.

“Bổ sung, thiết lập và cấu hình các hàm dữ liệu trên hệ thống DCS, đưa ra bộ đếm thời gian để gửi cảnh báo thời gian chạy bơm dầu điều tốc phục vụ Nhân viên vận hành ứng xử tình huống bất thường trong quá trình theo dõi, giám sát thiết bị tại Nhà máy”.

Những sáng kiến đó đều mang lại lợi ích cho ca trực vận hành. Đặc biệt trong công tác theo dõi, giám sát, giúp cho Nhân viên vận hành có thêm kênh thông tin để ứng xử kịp thời với hệ thống cũng như điều độ viên A0, A1 khi có bất thường xảy ra.      

Bên cạnh đó, anh còn tích cực trau dồi, cập nhật những kiến thức mới để phục vụ công tác đào tạo như: biên soạn quy trình, tài liệu giảng dạy và là người luôn đi đầu trong việc xây dựng bài giảng điện tử cũng như tổ chức các khóa học trên Chương trình đào tạo trực tuyến E-Learning. Trong những năm qua, anh Vinh đã là tác giả của các bài giảng điện tử có chất lượng và được Hội đồng nghiệm thu của Công ty đánh giá cao và được chia sẻ trên trang Elearning của đồng nghiệp, như:   
       “Hướng dẫn vận hành và xử lý sự cố hệ thống MBA chính - NMTĐ Bản Vẽ”; 
       “Hướng dẫn vận hành và Xử lý sự cố hệ thống rơle bảo vệ - NMTĐ Bản Vẽ”; 
       “Hướng dẫn lập bảng nhập và thiết lập các giá trị giám sát thông số vận hành trên phần mềm PMIS”.

Hướng dẫn học viên tham gia đào tạo chức danh và làm bài giảng Elearning

Qua quá trình học tập và rèn luyện, bằng năng lực chuyên môn, bằng đánh giá thông qua hành động, năm 2022 Lãnh đạo tin tưởng giao thêm cho anh công tác Kỹ thuật viên của Phân xưởng.

Khi nhận thêm nhiệm vụ mới, qua quá trình thực hiện công tác bảo trì tự quản mà Phân xưởng vận hành đang áp dụng có nhiều bất cập: các chức danh hàng tháng phải in  các biểu mẫu và ký trên giấy; quá trình thực hiện thủ công, cần mang theo biểu mẫu đó đến hiện trường thiết bị để đánh giá. Công việc này không những gây mất thời gian, tốn giấy mực để in ấn. Anh tiếp tục đưa ra ý tưởng để thực hiện và được Tổng công ty Phát điện 1 khen thưởng:

“Thiết lập biểu mẫu trên bảng tính Excel, Upload file lên Trang tính Google Sheet thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tiếp lên file. Upload file lên Phần mềm Digital Office để thực hiện ký số”.

Ý tưởng này giúp cho Nhân viên vận hành trong quá trình thực hiện công tác bảo trì tự quản không cần phải in biểu mẫu ra, mang trực tiếp đến hiện trường thiết bị để thực hiện, bỏ hoàn toàn công việc trên giấy. Kết quả của cải cách hành chính mang lại nhiều lợi ích cho Phân xưởng như: thuận tiện trong đánh giá TPM, tiết kiệm được công việc in ấn và bỏ được giấy tờ bằng ký số trên phần mềm Digital Office. Giờ đây, anh em trong ca trực vẫn bảo nhau rằng: từ khi ý tưởng được áp dụng, chiếc máy in kia đã được nghỉ ngơi thường xuyên, không những tiết kiệm được số lượng tờ giấy A4 ( mỗi lần các chức danh đi đánh giá trung bình khoảng 150-200 tờ) mà còn tiết kiệm mực in, tiết kiệm điện cho công ty.

 Hay như: “Thiết lập Kế hoạch Sửa chữa thường xuyên (SCTX) cho cả năm, nhiều năm tại Phân hệ Thiết bị-Sữa chữa-Sữa chữa/c.việc trên Phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS)”.

Ý tưởng này giúp cho Đơn vị quản lý thiết bị theo phân giao: Tiết kiệm được rất nhiều thời gian khởi tạo chi tiết công việc cho từng tháng trong năm. Đồng bộ được toàn bộ nội dung công việc với tần suất lặp lại, giảm thiểu sai sót cũng như không thống nhất trong nội dung công việc. Chỉ cần khởi tạo 1 lần áp dụng cho toàn bộ các tháng trong năm và có thể cho nhiều năm tiếp theo.

“Anh Vinh là một Trưởng ca kiêm Kỹ thuật viên trẻ tuổi nhưng có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, hết mình trong mọi công việc được giao, chịu khó học hỏi từ các nguồn tài liệu của đơn vị cũng như từ bạn bè, đồng nghiệp, luôn luôn chủ động, tích cực trong công tác cải cách hành chính, sáng kiến sáng chế, đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao, áp dụng được ngay trong công tác vận hành - Một tấm gương sáng điển hình cho CBCNV trong Phân xưởng cũng như trong Công ty” – Đó là lời của Quản đốc PXVH Lê Trung Kỷ khi nhận xét về Anh.

Ngoài công tác chuyên môn, anh Vinh còn rất tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và công tác xã hội của đơn vị. Trong nhiều năm qua, anh luôn hăng hái, năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng Công ty, tham gia thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Tham gia  hoạt động thiện nguyện, phong trào thể thao

Đặc điểm là dân kỹ thuật, xa gia đình, công việc thường ngày trên công trường, đặc thù lại còn tham gia nhiều kỳ thi sát hạch, thi an toàn điện, diễn tập sự cố. Nhưng trong con người anh Vinh có chút gì đấy bay bổng, thường lấy những vần thơ hay dòng tự sự để ghi lại nỗi niềm. Một số bài được anh ghi lại trong những lần như thế:

HỎI NHỎ
Em vẫn thường hỏi nhỏ
Nghề của Anh làm gì
Một mình Em vất vả
Lo con dại trẻ thơ

Em vẫn thường hỏi nhỏ
Công việc Anh làm gì
Ngày ngày tiếng máy nổi
Sáng khuya chiều sớm tối

Vẫn hỏi nhỏ là Em
Vất vả lắm không Anh
Tuổi bốn mươi trầm lắng
Nhà lúc nào cũng vắng

Đừng hỏi nhỏ nữa Em
Nghề của Anh “hòa” thắng
Kỳ thi bao giờ vắng
Tóc Anh thêm điểm trắng

 

“BẠN” VÀ TÔI

Bạn và tôi không lạ cũng chẳng quen
Chỉ biết nhau qua hình hài con số
Trò chơi trốn tìm luôn được bạn ủng hộ
Bạn là người trốn còn tôi mãi đi tìm

Bạn và tôi trước lạ sau thành quen
Tính tôi nhỏ nhẹ nhưng bạn luôn tỏ vẻ
Lại còn thách đố đưa ra mổ xẻ
Chẳng thế mà lạ, gần gặp rồi mãi cứ xa dần hè

Con người bạn không ai hiểu được
Biểu đồ nhiệt thay đổi theo từng bước
Tìm mãi bạn mà vẫn không gặp được
Quy luật thế mới có bạn và tôi

Nhưng bạn ơi! Tránh sao được lưới trời
Kề tôi đây đã có chuyên gia khác
Camera, máy quét, lại còn cả súng mác
Chỉ là đón điểm để bắt bạn mà thôi

Sáng hôm nay thấy bạn tôi rồi nhé
Nhôm thì cũng đã có Đồng đưa ra mổ xẻ
Điểm đỏ kia dần trở về xanh nhẹ
Tôi cười khẽ thế là gặp được nhau

(P/S: Trong vận hành thiết bị các điểm nhiệt độ luôn thay đổi, NVVH phải thường kiểm tra định kỳ để theo dõi, khi cao bất thường phải tiến hành cô lập. Người “Bạn”mà anh Vinh đề cập ở trên là nói về điểm “nhiệt độ” và ý thơ đã được ghi chép lại sau khi cùng đồng nghiệp tên Đồng thao tác tách “Bạn” đó xử lý).

KHÁCH ĐẾN CHƠI NHÀ

Hôm nay có khách đến chơi nhà
Vườn cây xanh lá, cá vươn ra
Buôn làng bản xóm thấy hay quá
Ngày vui ý nghĩa không rời xa

Hôm nay có khách đến chơi nhà
Thể thao vài trận mở lòng ta
Đón tiếp chân tình bằng món lạ
Niềm vui khôn xiết không rời xa

Có khách hôm nay đến chơi nhà
Truyền thông hàng tháng đã đưa ra
Lợi ích con đập ngăn dòng xả
Giữ nước, phát điện nhiệm vụ ta

Tâm sự bao chuyện lại ngân nga
Mười ba năm trước ngỡ hôm qua
Thủy điện Bản Vẽ xây dựng ra
Bao tiếng cười vang, rộn tiếng ca

Quà khách mang đến lại mang ra
Việc họ cũng giống việc của ta
Quanh năm suốt tháng không nề hà
Phục vụ lợi ích bà con ta

(P/S: Như bao lần khác, khách đến NMTĐ Bản Vẽ tham quan và giao lưu đều được CBCNV giới thiệu cũng như truyền thông về công trình và các chức năng nhiệm vụ của Nhà máy. Chợt một lần đang chuyện trò với khách, thay như thường ngày vẫn diễn đạt, anh Vinh đã góp vui vài câu thơ).

Minh Thông